Trước xu hướng tiêu dùng ngày càng cao của thị trường, nhiều nông dân tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP trong sản xuất lúa gạo. Việc sản xuất theo bộ tiêu chuẩn này đã tạo được nguồn nông sản sạch, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu lúa gạo trên thị trường.
Cánh đồng lúa áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP tại xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị bước vào đợt thu hoạch. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, diện tích sản xuất lúa hơn 500 nghìn ha, năng suất lúa bình quân hơn 3,3 triệu tấn/năm đã góp phần cho cả nước về xuất khẩu lương thực. Hạt gạo của tỉnh Đồng Tháp đã vươn ra khắp các châu lục. Có thể đây được xem là kết quả của quá trình bà con nông dân cùng bắt tay nhau sản xuất lúa an toàn đến người tiêu dùng.
Đồng thuận làm nên chất lượng
Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp. Tỉnh triển khai thực hiện đề án với nội dung “Hợp tác-Liên kết – Thị trường” và “Giảm chi phí – Tăng chất lượng – Chế biến tinh”. Qua đó, đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong phát triển kinh tế nông thôn.
Mấy hôm nay, cánh đồng lúa ở ấp Bình Phú Quới, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã chín vàng đồng. Chỉ vài ngày nữa, bà con nông dân sẽ cho máy vào thu hoạch. Năm nay, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành tiếp tục sản xuất theo bộ tiêu chuẩn SRP, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Dẫn chúng tôi ra thăm mảnh ruộng với diện tích 4 ha ngay phía sau nhà, chú Phạm Văn Trợ, có “thâm niên” hơn 60 năm làm nghề trồng lúa, ngụ ấp Bình Phú Quới, xã Bình Thành khoe: “Đây là năm thứ 2 gia đình tôi làm lúa theo bộ tiêu chuẩn SRP. Nông dân chú trọng đến chất lượng, chứ không để mạnh người nào người nấy làm thì không bao giờ có nguồn nguyên liệu tốt, cho nên làm theo bộ tiêu chuẩn này có hợp tác với doanh nghiệp, cùng làm theo quy trình, cùng tự quản lý nhau nên tôi rất yên tâm đầu vào và đầu ra của hạt lúa”.
Tại hội nghị tổng kết thực hiện Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững cho nông hộ nhỏ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018-2021 và triển khai nhân rộng Dự án giai đoạn 2022-2026 do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tổ chức, nhiều đại biểu cũng đánh giá về hiệu quả của mô hình mang lại, đặc biệt là chất lượng sản phẩm.
Từ năm 2019 Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp có nhu cầu sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuẩn SRP và cùng chủng loại giống để có sản lượng lớn thu hút doanh nghiệp đến hợp đồng thu mua.
Giai đoạn năm 2019-2021 thực hiện mô hình sản xuất lúa theo chuẩn SRP, mỗi vụ mùa, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp từ vài chục ha đến vài trăm ha. Mô hình được triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống bà con nông dân nâng cao, sản phẩm nông dân làm ra có doanh nghiệp bao tiêu đảm bảo ổn định trong sản xuất. Giá lúa các vụ đều được thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 100 đồng/kg lúa.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình Tạ Văn Bông cho biết: “Sự đồng thuận của người dân trong việc liên kết tiêu thụ đã đem lại thuận lợi và hiệu quả. Qua 3 năm sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, chưa có hộ thành viên nào vi phạm hợp đồng hay rời khỏi dự án. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì Dự án SRP Rikolto để sản xuất lúa theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Mô hình sản xuất lúa theo chuẩn SRP là một giải pháp để người sản xuất tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và người dân sinh sống trong vùng. Qua thực hiện mô hình, nông dân trong vùng nắm được bộ tiêu chuẩn SRP, giúp người sản xuất ý thức hơn về việc sản xuất ra sản phẩm, chú trọng đến chất lượng sản phẩm nhiều hơn, góp phần nâng cao kỹ năng cho người nông dân, sản xuất theo nhu cầu thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro “được mùa rớt giá”.
Chú trọng tập huấn, liên kết
Để thực hiện dự án Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm cho nông hộ nhỏ giai đoạn 2018-2020, và mục tiêu, giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, cần phải chú trọng hơn công tác tập huấn, làm đầu mối liên kết…
Theo các nhà quản lý, các chuyên gia, việc trọng tâm trong thời gian tới là tuyên truyền, vận động người dân ở các hợp tác xã, giúp người dân nhận thức được lợi ích khi tham gia dự án.
Thời gian qua, có 9 hợp tác xã tham gia dự án SRP Rikolto, nhưng một vấn đề nông dân hợp tác xã trăn trở là khi làm ra sản phẩm theo tiêu chuẩn SRP, thì chỉ có một số hợp tác xã như: Bình Thành, Tân Bình,… có liên kết được với doanh nghiệp bán lúa theo tiêu chuẩn SRP giá cao hơn. Còn các hợp tác xã khác vẫn bán lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP giống như giá bình thường. Điều này dẫn đến thiệt thòi cho người nông dân khi tham gia dự án, bỏ công sức để làm ra sản phẩm tốt hơn, nhưng giá bán vẫn chưa được cao, chưa đáp ứng được công sức bỏ ra như nguyện vọng, dẫn đến chưa thật sự thu hút người trồng lúa.
“Thời gian tới, một trong những giải pháp quan trọng là chúng ta phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu cho các doanh nghiệp biết đến ở Đồng Tháp có những hợp tác xã sản xuất lúa gạo đạt tiêu chuẩn SRP, tạo cầu nối để gắn kết doanh nghiệp với hợp tác xã, tạo một kênh tiêu thụ riêng đối với sản phẩm lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP. Từ đó, nâng giá trị lúa gạo theo tiêu chuẩn này lên, để có sự duy trì, thu hút người nông dân tham gia thực hiện dự án, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Ngô Thanh Hùng nhấn mạnh.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò sản xuất gạo theo bộ tiêu chuẩn SRP. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án thực hiện hướng dẫn người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, với vai trò phối hợp ở địa phương, ông Ngô Thanh Hùng cũng cho biết Chi cục sẽ cố gắng lồng ghép những chương trình tập huấn với những nội dung phối hợp về xúc tiến thương mại, hội thảo, hội chợ… để nhiều nông dân, nhiều hợp tác xã nắm hơn về chương trình này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, thời gian tới, không chỉ có 9 hợp tác xã sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP, nếu các hợp tác xã có nhu cầu tham gia thì vẫn có thể mở rộng hỗ trợ tập huấn để có nhiều người tham gia chương trình này.
Giám đốc Chương trình lúa gạo Rikolto tại Đông Nam Á Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Vai trò của Rikolto kết hợp với vai trò của hợp tác xã và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp sẽ cố gắng thúc đẩy sự đóng góp của các đơn vị tiêu thụ như các công ty, hợp tác xã, làm sao có thị trường mới cho lúa gạo bền vững trong tương lai. Dự kiến Dự án sẽ mở rộng đến khoảng 15 hợp tác xã. Số lượng các hộ nông dân tham gia ở giai đoạn 1 là 1.700 hộ. Thời gian tới, giữa kỳ 2022-2026, dự kiến 4.000 hộ sẽ tham gia. Đến cuối năm 2026, Dự án sẽ đạt khoảng 5.000 hộ tham gia.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2018-2021, Dự án Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm cho nông hộ nhỏ tại tỉnh Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, trong xây dựng quan hệ kinh doanh bền vững giữa doanh nghiệp và tổ chức nông dân, dự án đã hỗ trợ các thiết bị nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất… cho các hợp tác xã tham gia dự án.
Mô hình sản xuất lúa theo chuẩn SRP giúp người nông dân tiết kiệm tổng chi phí lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động bình quân hơn 3,7 triệu đồng/ha.
Tổng vốn viện trợ không hoàn lại do Tổ chức Rikolto International tại Việt Nam cam kết tài trợ giai đoạn 2018-2021 là hơn 5,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2022-2026, tổng ngân sách dự kiến thực hiện dự án là hơn 8,1 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tổ chức Rikolto.
HỮU NGHĨA
Nguồn Nhân Dân:https://nhandan.vn/xay-dung-chuoi-gia-tri-lua-gao-ben-vung-o-dong-thap-post716772.html